Thứ hai, 14/10/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 14/10/2024 Góp ý dự thảo VBQPPL

Thứ sáu, 11/03/2016

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Cần tiến tới cụ thể hóa hơn nữa


(Ảnh minh họa)

Trước tiên, tôi tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật báo chí trên tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới trong sự nghiệp phát triển báo chí, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ. Dự thảo gồm 6 chương, 62 điều đã thể hiện được tương đối đầy đủ những những vấn đề cơ bản, cần thiết liên quan đến hoạt động báo chí. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau: 

Thứ nhất, về vấn đề tự do báo chí. Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, dự thảo luật đã dành hẳn một chương quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận. Đó là nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ, không ai được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật; khẳng định nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về “khuôn khổ pháp luật” là gì, quy định chung chung như thế này sẽ khó trong quá trình thực hiện. 

Để báo chí thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ công, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hoạt động báo chí, như tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người mang Thẻ Nhà báo hoạt động nghiệp vụ; trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan báo chí và nhà báo trong việc thu thập, xử lý và công bố thông tin và đặc biệt là quy định về trách nhiệm “Trả lời trên báo chí” cho người có chức vụ, quyền hạn tại các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước trước các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân nêu trên báo chí… Điều 9 trong dự thảo quy định không được “đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiên, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” nhưng không đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. Do đó, đề nghị bổ sung thêm nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Điều 39 Mục 2 chương IV quy định: “Các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.” Thực tế, trong thời gian qua, dù đã có Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng báo chí vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không bị xử lý. Đề nghị, cần có những quy định cụ thể trong luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức và hình thức xử lý nếu họ né tránh, không chịu cung cấp để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động một cách tốt nhất trong khuôn khổ của luật pháp.

Thứ hai, về người đứng đầu cơ quan báo chí. Điều 23 và 24 quy định “người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc Ban Chấp hành trung ương Đảng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc người đứng đầu cơ quan báo chí có 3 loại hình báo chí trở lên là tổng giám đốc”, trường hợp khác thì người đứng đầu cơ quan báo chí gọi là giám đốc; dưới tổng giám đốc và giám đốc có Tổng biên tập. Quy định như trên chưa phù hợp đối với các cơ quan báo chí chỉ có một loại hình hoặc có duy nhất một ấn phẩm (đặc biệt là sản phẩm báo in). Hơn nữa, đối với các cơ quan báo in, cách gọi Tổng biên tập còn mang tính quốc tế. 

Về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí và Tổng biên tập. Trong một cơ quan báo chí, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, thậm chí họ chính là tấm gương phản chiếu chất lượng sản phẩm báo chí. Đúng, sai, tốt, xấu của một cơ quan báo chí đều có sự quyết định của Người đứng đầu, Tổng biên tập. Nói cách khác, Người đứng đầu, Tổng biên tập là người thế nào thì sẽ hình thành nên một đội ngũ nhà báo trong cơ quan báo chí như thế và cơ quan báo chí cũng đi theo hướng đó. 

Nếu Người đứng đầu, Tổng biên tập có đủ trình độ chuyên môn và quản lý để thẩm định, đánh giá tác phẩm, đánh giá năng lực, phẩm chất và việc làm của đội ngũ nhà báo dưới quyền mình, có đạo đức nghề nghiệp thì cơ quan báo chí sẽ phát triển theo hướng tích cực. Ngược lại, Người đứng đầu, Tổng biên tập buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không kiên quyết xử lý những vi phạm của phóng viên thuộc quyền, khi có vụ việc xảy ra thường né tránh, đổ lỗi cho cấp phó chịu trách nhiệm… thì tất yếu cơ quan báo chí đó sẽ đi theo hướng tiêu cực. 

Hiện nay, có thực trạng đáng buồn là không ít cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật và chạy theo xu hướng thương mại hóa… Vậy vai trò của người đứng đầu, của Tổng biên tập ở đâu? Trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng và nghiêm khắc về nghĩa vụ của người đứng đầu trong những tình huống trên. 

Thứ ba, Điều 8 quy định về Hội nhà báo Việt Nam. Trong dự thảo đưa ra 8 nhiệm vụ và quyền hạn của Hội nhà báo Việt Nam nhưng khá chung chung và không có cơ chế để thực hiện. Đặc biệt, nhiệm vụ “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên” và “tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật…” nghe thì rất to nhưng khó thực hiện và trên thực tế là không có hiệu lực. Nếu có hội viên bị xâm phạm quyền lợi, Hội chỉ có cách gửi văn bản cho các cơ quan, nếu họ không trả lời, lờ đi thì Hội cũng không có cơ chế nào xử lý. Cần có những quy định cụ thể để phát huy hơn nữa vai trò của Hội. 

Thứ tư, về nhà báo. Khoản 1 Điều 25 quy định nhà báo là người được cấp thẻ nhà báo, mà theo quy định phải công tác liên tục tại cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên mới được cấp thẻ. Vậy có hai đối tượng mà dự thảo luật chưa đề cập: Một là, những người hoạt động báo chí chưa đủ 3 năm thì sẽ gọi là gì và hoạt động báo chí với tư cách gì? Trên thực tế, trong khi tác nghiệp việc những người chưa có thẻ bị đối xử không bình đẳng đang diễn ra, họ bị từ chối cung cấp thông tin, bị cản trở hành nghề… Hai là, những người tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, được giữ lại cơ sở đào tạo chí làm giảng viên báo chí, vẫn thường xuyên cộng tác với các cơ quan báo chí và có tác phẩm báo chí đều đặn. Nhưng theo dự thảo luật họ không là đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo. Vì vậy, những đối tượng trên cần được luật hóa nhằm đảm bảo công tác quản lý, cũng như đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình tác nghiệp.

Cũng cần xem xét lại quy định phải công tác liên tục tại cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên mới được cấp thẻ. Nên chăng có quy định về những trường hợp đặc biệt để khuyến khích những người có đóng góp nổi bật. Ví dụ, những người chưa đủ 3 năm nhưng họ hoạt động báo chí xuất sắc, có tác phẩm đoạt giải. 

Đối với thời hạn của thẻ nhà báo. Đề nghị bổ sung quy định thời hạn thẻ nhà báo là 10 năm, sau đó nhà báo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn kể cả tiêu chuẩn sức khỏe mới được cấp lại. Sau một thời gian hành nghề nếu nhà báo không đáp ứng các yêu cầu theo quy định thì không cấp lại và cần chấm dứt tình trạng không còn hoạt động báo chí nữa những vẫn lợi dụng thẻ nhà báo để làm những việc khác. 

Thứ năm, về vấn đề bảo vệ nguồn tin. Một trong những mối quan hệ nghề nghiệp cơ bản trong hoạt động báo chí, đó là mối quan hệ giữa nhà báo và nguồn tin. Đây được coi là mối quan hệ “máu thịt”, bởi nếu không có nguồn tin thì nhà báo sẽ không có thông tin để cung cấp cho công chúng. Xét ở một khía cạnh nào đó, đối với nhà báo, nguồn tin chính là sự thật, là hiện thực cuộc sống. Trong mối quan hệ đạo đức giữa nhà báo và nguồn tin, ngoài quy tắc đạo đức nghề nghiệp, để điều tiết mối quan hệ này cũng cần các quy định cụ thể của luật pháp. 

Mặc dù trong khoản 4, Điều 39 quy định cơ quan báo chí và nhà báo phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên trong trường hợp cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp nhà báo tiết lộ nguồn tin gây ảnh hưởng đến cuộc sống, lợi ích, tính mạng… của họ nhưng không chịu trách nhiệm gì. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của nhà báo khi không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin theo quy định của pháp luật. 
Bên cạnh những ý kiến trên, tôi xin có một số ý kiến góp ý liên quan đến báo điện tử như sau: 

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu và ngay sau đó hàng loạt báo điện tử, trang tin điện tử ra đời. Với những lợi thế đặc thù như: thông tin nhanh; sinh động, hấp dẫn; khả năng tích hợp đa phương tiện… báo điện tử đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng nội dung và hình thức. 19 năm qua, làng báo Việt Nam đã chứng kiến sự “bùng nổ” của loại hình báo điện tử. Tính đến tháng 6/2015, cả nước có 100 báo, tạp chí điện tử đã được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 80 báo, tạp chí điện tử trực thuộc của cơ quan báo chí in, đài phát thanh, đài truyền hình, 20 báo, tạp chí điện tử độc lập và 215 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí. 

Sự phát triển của loại hình báo điện tử, trang tin điện tử ở Việt Nam đã góp phần đa dạng hóa các nguồn thông tin, phương tiện chuyển tải đến công chúng. Người dân được tiếp nhận gần như ngay lập tức với các sự kiện diễn ra trong nước cũng như trên thế giới; được tiếp cận với kho tri thức khổng lồ của nhân loại; đồng thời, báo điện tử cũng góp phần tích cực trong việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, làm cho Việt Nam trở nên gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế, với những người Việt Nam sống xa Tổ quốc.Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng phải nhận thấy những khiếm khuyết, hạn chế của một số báo điện tử, trang tin điện tử của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện nay. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về báo điện tử. 

Thứ nhất, do sức ép cạnh tranh về tốc độ đưa tin giữa các báo điện tử nên đôi khi chất lượng thông tin còn bị xem nhẹ, thông tin còn thiếu chính xác, sai sự thật. Tuy nhiên, khi tự phát hiện ra thông tin bị sai, nhiều báo điện tử đã sửa luôn, không để lại chút dấu vết. Điều đó dẫn đến khái niệm phát hành, đăng phát chỉ đúng với báo in, phát thanh, truyền hình, còn với báo điện tử, nội dung đã đăng phát có thể sẽ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Đặc điểm về công nghệ đã cho phép báo điện tử vừa phát hành vừa sửa lỗi, bổ sung, điều chỉnh. Điều này cần quy định cụ thể trong luật. 

Thứ hai, trong báo điện tử, tăng số lượng truy cập đồng nghĩa với tăng quảng cáo. Vì vậy, không ít báo đã xa rời tôn chỉ, mục đích vì lợi ích kinh tế thuần túy mà chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Thông tin đời tư cá nhân, những chuyện giật gân, tiêu cực, hình ảnh, hành động phản cảm của một bộ giới trẻ, đặc biệt của giới showbiz… tràn ngập trên nhiều mặt báo đã vô tình cổ súy cho lối sống thiếu lành mạnh. Thêm nữa, với khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, lâu dài, nhiều báo điện tử còn tập hợp những thông tin tạo thành chủ đề, mục “nóng” “treo” thường xuyên trên trang chủ để gây tò mò cho độc giả. Hiện tượng trên kéo dài trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà báo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí khi để xảy ra tình trạng trên.

Thứ ba, hoạt động liên kết, hợp tác giữa một số báo điện tử và các công ty truyền thông cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn trong quản lý. Hoạt động liên kết, hợp tác này bao gồm cả về mặt hạ tầng, công nghệ, một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng, phát hành báo như: thiết kế giao diện, xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu, phần mềm quản lý nội dung, xây dựng phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin… và bao gồm cả sản xuất nội dung. 

Do không được tự sản xuất mà phải lấy tin, bài đã được đăng, phát trên báo chí, hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật nên để đảm bảo nguồn tin các trang thông tin điện tử tổng hợp đã mua, hoặc thỏa thuận với một số báo điện tử để được dẫn lại tin, bài. Trên thực tế, những trang tin này chỉ lựa chọn copy những tin bài nóng, ăn khách dẫn đến những thông tin giật gân càng có cơ hội phát triển. Mặt khác, nhiều trang tin không tôn trọng bản quyền, tự ý sao chép lại tin, bài và tệ hơn còn “xào xáo” lại nội dung, đặt lại tít cho thật “sốc” để tăng lượng view, rút hết quảng cáo từ báo chí. Vì vậy, có những trang tin chẳng sản xuất tin bài nào, chỉ lấy lại tin, bài từ các báo khác nhưng có lượng truy cập luôn nằm trong top 10, top 20, vượt xa nhiều báo điện tử lớn, gây bức xúc trong làng báo. 

Không những vậy, một số trang thông tin điện tổng hợp còn “núp bóng” các báo điện tử để sản xuất tin, bài (chủ yếu khai thác đề tài nhạy cảm, giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục) sau đó chuyển qua báo điện tử để hợp thức hóa nguồn tin rồi mới đưa lên trang thông tin của công ty, dưới hình thức dẫn nguồn từ báo điện tử đang hợp tác. Về mặt kỹ thuật, quy trình này rất đơn giản. Đây chính là cách các công ty truyền thông lách luật để tự làm báo. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật và cần đưa vào dự thảo Luật Báo chí.
Thứ tư, việc quản lý các sản phẩm truyền hình trên báo điện tử nói riêng và truyền hình trên mạng Internet nói chung còn chưa thống nhất về cách hiểu và tư duy quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước đang lúng túng vì Luật Báo chí chưa quy định về việc này, trong khi sự phát triển tự phát của truyền hình Internet hiện nay đang mâu thuẫn với quy định của pháp luật về quản lý truyền hình truyền thống. Hiện nay, bên cạnh những tin, bài bằng text, nhiều báo điện tử đã phát huy tối đa khả năng đa phương tiện với các tin bài dưới dạng audio, video. 

Một số báo như Tuổi trẻ Online, Thanh niên điện tử, Người lao động điện tử, VietNamNet… còn xây dựng hẳn chuyên mục Media, chuyên trang TV, Truyền hình Online với giao diện riêng, thậm chí có chương trình truyền hình cụ thể, với lịch phát cố định, có các phân mục nhỏ chia lĩnh vực không khác gì một kênh truyền hình trên mạng Internet. Vậy quản lý vấn đề này như thế nào? Đây là một trong những yếu tố đa phương tiện của báo điện tử hay là truyền hình trên báo điện tử? Cần xác định rõ trong luật. 

Thứ tám, Pháp lệnh quảng cáo năm 2001 quy định quảng cáo trên báo điện tử áp dụng như quy định với báo in, nếu áp dụng sẽ là cấm quảng cáo trên trang chủ và cũng rất khó xác định tỷ lệ 10%. Thực tế, ngay khi bắt đầu triển khai quy định, nhiều báo điện tử lúc bấy giờ đang thực hiện quảng cáo trên trang chủ rất lo lắng, nếu tiếp tục quảng cáo trên trang chủ thì sẽ bị phạt, nhưng nếu không quảng cáo trên trang chủ thì sẽ nhường thị phần quảng cáo cho các trang thông tin điện tử khi quy định này không áp dụng với các trang tin không phải là báo chí. Thanh tra Bộ Văn hóa –Thông tin cũng đã từng đặt vấn đềxem xét xử phạt các báo điện tử quảng cáo trên trang chủ… 

Tuy nhiên, cơ quan quản lý báo chí cũng băn khoăn, lo ngại, nếu siết chặt quản lý theo đúng quy định về quảng cáo thì gần như “chặn đường sống” của các báo điện tử, bởi đây là nguồn thu chính để các báo điện tử duy trì hoạt động, chi phí thuê đường truyền, máy chủ... Vì vậy, trong suốt 12 năm Pháp lệnh quảng cáo có hiệu lực, chưa báo điện tử nào bị phạt do quảng cáo trên trang chủ. Hiện nay, Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định về quản lý quảng cáo trên báo điện tử phù hợp với thực tế hơn. Tuy nhiên, nhiều quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn chưa rõ ràng (ví dụ có được quảng cáo trên măng sét của báo điện tử hay không?..). Vì vậy vẫn cần quy định rõ vấn đề này trong Luật Báo chí. 

Báo điện tử có những đặc thù khác với các loại hình báo chí khác như phương thức phát hành, quy trình sản xuất, duyệt tin bài, hình thức thể hiện… nên đặt ra yêu cầu cần những quy định cụ thể trong luật để loại hình báo chí này phát triển lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật./.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang

(Theo Hà Nội mới)