Thứ hai, 04/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 04/11/2024 Góp ý dự thảo VBQPPL

Thứ sáu, 25/03/2016

Phải coi nhà báo thi hành công vụ đặc biệt, vì công luận!

Ông Minh giải thích: “Xử lý ở đây, không phải chỉ xử lý như chống người thi hành công vụ bình thường, mà phải coi như chống lại người làm cho lành mạnh hóa xã hội. Phạm vi công vụ này rộng hơn, đó là công luận”.


Chiếc mũ bảo hiểm dính máu cứu mạng Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Ảnh: Lao Động)

Sau khi Báo Lao Động đăng tin về việc Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man, đã có nhiều cá nhân, tổ chức lên tiếng đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết tìm ra thủ phạm và bảo vệ nhà báo. PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà Báo về vấn đề này.

Thưa ông, ngay khi biết thông tin Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man, với vai trò là Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, xin ông cho biết hội đã làm những bước gì để bảo vệ hội viên của mình?

Từ sáng nay, chúng tôi đã nhân được thông tin từ phía Báo Lao Động, cụ thể là Tổng Biên tập Trần Duy Phương đã thông tin bước đầu về sự việc. Các đồng chí lãnh đạo chi hội đã thông tin sự việc. Hội Nhà báo Việt Nam, tôi là Trưởng Ban Kiểm tra và đồng chí Hồ Quang Lợi rất quan tâm đến ựu việc này. Ngay lập tức, trong sáng hôm nay, đã làm văn bản để báo cáo. Tổng liên đoàn lao động đã gửi công văn đến Công an Quận Hoàng Mai yêu cầu các cơ quan ban ngành động viên giúp đỡ để Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ổn định về mặt tâm lý, nhanh chóng chữa lành vết thương để tiếp tục làm việc.

Về phía các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra các thủ phạm và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hành vi hành hung nhà báo, phóng viên là hành động đáng lên án.

Hiện nay, chưa xác định được động cơ, mục đích của các đối tượng gây ra vụ hành hung này, nhưng theo Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, các đối tượng này không quen biết và thù hằn gì. Nghi ngờ đây có nguyên nhân từ những bài điều tra của Nhà báo. Trước khi làm nhà báo, anh Hoàng là một công dân, mà đánh công dân là vi phạm pháp luật. Còn đánh những người mà có những tác phẩm báo chí chống tiêu cực gây hiệu ứng lớn cho xã hội thì càng phải lên án.

Hội Nhà báo Việt Nam cực lực phản đối bất cứ hành vi nào hành hung, cản trở các nhà báo.


Ông Phan Hữu Minh, UV Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: Đài Truyền hình Thái Nguyên)

Thưa ông, mới tính sơ sơ, trong vòng một năm, đã có hàng chục vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp. Theo ông, cần phải có chế tài như thế nào để bảo vệ nhà báo?

Thưc ra, trong Luật Báo chí và các luật khác đều đã có chế tài. Chế tài về thể xác, hành hung về thể xác, tính mạng đều đã có chế tài. Trước tình hình này, cần phải có biện pháp thực hiện tận nơi, tận chốn để xử lý nghiêm các đối tượng gây ra những hành động này.

Xử lý ở đây, không phải chỉ xử lý như chống người thi hành công vụ bình thường, mà phải coi như chống lại người làm cho lành mạnh hóa xã hội. Phạm vi công vụ này rộng hơn, đó là công luận.

Nói cách khác, với những bài báo của mình, nhà báo có thể cảnh báo thay đổi nhận thức, hoặc ngăn chặn một nguy cơ nào đó từ việc phanh phui những tiêu cực. Khi hành hung nhà báo vì lý do này thì hậu quả xã hội sẽ rất lớn.

Tôi lấy ví dụ thế này, khi nhà báo Nguyễn Ngọc Quang ở Đài PT-TH Thái Nguyên bị hành hung, cơ quan công an đã thành lập một tổ quyết điều tra và bắt bằng được đối tượng cầm đầu. Dù đã có lức đối tượng này định trốn ra nước ngoài nhưng với quyết tâm của công an tỉnh Thái Nguyên, vụ việc đã có kết quả. Sắp tới vụ việc sẽ được đưa ra xét xử răn đe. Đấy cũng là động thái các ngành chức năng đã ủng hộ nhà báo. Cơ quan bảo vệ pháp luật đã không coi đó là những vụ việc bình thường mà đó là vụ việc rất nghiêm trọng.

Tôi mong rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng sẽ làm theo hướng đó.

Hiện nay, trên nghị trường Quốc hội, khi bàn về luật báo chí sửa đổi, có ý kiến cho rằng cần phải đưa hoạt động của nhà báo vào hoạt động thi hành công vụ, nhưng cũng có ý kiến ngược lại. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trừa trường hợp những người viết trên mạng xã hội theo kiểu vui vẻ, còn những nhà báo khi tác nghiệp, có thẻ nhà báo, đi làm nhiệm vụ cơ quan giao thì đó chính là công vụ rồi.

Đây không phải là câu chuyện cá nhân, người ta viết tác phẩm không phải để cất đi, để đọc cho vui mà quảng bá tác phẩm báo chí đó rộng rãi. Do đó, theo tôi phải gọi đó là hoạt động công vụ. Chẳng hạn như Đỗ Doãn Hoàng đang trên đường thực hiện nhiệm vụ cơ quan phân công. Mà đã là công việc cơ quan là công vụ rồi, không thể coi đó là tư vụ được.

Có ý kiến cho rằng, cần phải thống nhất rằng, nếu đánh nhà báo đang tác nghiệp hoặc vì lý do trả thù nhà báo đều không cần phải giám định thương tích mà đều có thể bị truy tố trước pháp luật. Có nghĩa là kể cả thương tích 0% vẫn có thể khởi tố.  Ông bình luận gì về ý kiến này?

Có khi đánh chưa chắc đã đau bằng dọa dẫm khủng bố tinh thần. Cái này có thể không có việc đánh đạp hành hung nhưng hậu quả rất nặng nề. Chẳng hạn như tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần. Do đó, tôi ủng hộ ý kiến này. Theo tôi, tùy từng nghề, tuy từng việc cụ thể để áp dụng cụ thể.

Vậy ông có suy nghĩ như thế nào, khi có một số vụ việc liên quan đến hành hung nhà báo gần đây có dấu hiệu chìm xuồng?

Qua kinh nghiệm thực tế, những vụ việc “chìm xuồng” có mấy nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ con người. Đó là lãnh đạo của địa phương đó có quyết tâm làm không hay vì một lý do nào khác.

Theo tôi, nhìn chung, nếu có quyết tâm, tôi nghĩ rằng những vụ đánh nhà báo không thể không ra được.

(Theo Infonet)