Chia sẻ về kết quả tại AMRI 16, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, các bộ trưởng đã khẳng định và định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức".
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; bộ trưởng, trưởng đoàn các quốc gia thành viên ASEAN chụp ảnh lưu niệm.
Việt Nam khởi xướng xây dựng nhiều nội dung mới
Trong vai trò là nước chủ nhà chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16), Bộ TT&TT Việt Nam đã khởi xướng chủ đề Hội nghị: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”. Đây là nội dung chủ đề xuyên suốt trong chương trình nghị sự của hội nghị chính thức và chia sẻ thảo luận tại các sự kiện bên lề hội nghị.
Để ghi nhận kết quả nghị sự và nội dung hội nghị, Bộ TT&TT Việt Nam đã khởi xướng xây dựng Văn kiện Hội nghị gồm Tuyên bố Tầm nhìn cấp Bộ trưởng ASEAN cho lĩnh vực Báo chí Truyền thông đến 2035 và Tuyên bố Đà Nẵng về định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới. Đây là các văn bản cơ sở để ghi nhận và truyền đạt nhận định, tầm nhìn của các Bộ trưởng đối với ngành thông tin báo chí cũng như định hình cho hợp tác về thông tin ASEAN trong tương lai đến năm 2035 và xa hơn. Sáng kiến của Việt Nam đối với việc soạn thảo và xây dựng Tuyên bố Tầm nhìn 2035 cũng là lần đầu tiên hợp tác về thông tin của ASEAN ban hành một tài liệu cơ sở như vậy.
Để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị AMRI 16 vào tháng 9/2023, từ hơn một năm trước, Bộ TT&TT Việt Nam đã khởi xướng việc nghiên cứu xây dựng, lồng ghép để đưa vào các đề xuất được trình bày và bảo vệ tại các cơ chế làm việc chính thức của hợp tác ASEAN về thông tin (gồm các nhóm công tác của SOMRI và Tiểu ban Thông tin ASEAN). Cả hai đề xuất được Việt Nam khởi xướng, được các nước ASEAN nhiệt liệt ủng hộ, đã được triển khai dưới hình thức là hoạt động bên lề Hội nghị AMRI 16 gồm: Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả (19/9/2023) và Hội thảo ASEAN về Chuyển đối số Báo chí và Truyền thông: Chuyển đổi số Kiến tạo tri thức số (21/9/2023), dưới sự chủ trì điều hành của Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm.
Kết quả thảo luận của các hội thảo chuyên đề cũng đã được đệ trình lên các bộ trưởng tại Hội nghị AMRI 16 (22-23/9/2023), trong đó, Hội thảo ASEAN về Chuyển đối số Báo chí do Việt Nam khởi xướng lần đầu tiên năm 2023 sẽ trở thành hoạt động thường niên trong các năm tiếp theo của ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, ứng dụng chuyển đổi số ngành báo chí và truyền thông. Việc thành lập và triển khai nhóm đặc trách về xử lý tin giả cấp khu vực ASEAN (viết tắt là TFFN) theo sáng kiến của Việt Nam cũng được các bộ trưởng thông qua nhằm tiến tới “One ASEAN - One Voice” hay “The ASEAN way” trong ứng phó, xử lý và giảm thiểu tác hại của tin giả, đồng thời, gắn trách nhiệm xã hội và đạo đức với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Đặc biệt, lần đầu tiên tại AMRI 16, các bộ trưởng đã thống nhất và đặt vấn đề về nguy cơ và cơ hội của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tạo ra cuộc cách mạng đột phá đối với ngành báo chí truyền thông, để các nước ASEAN xem xét và thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm ứng dụng AI trong ngành này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ASEAN đã và đang trở thành tâm điểm tăng trưởng của thế giới.
Tuyên bố tầm nhìn 2035 cho lĩnh vực thông tin, báo chí và truyền thông
Tuyên bố Tầm nhìn 2035 của các bộ trưởng thông tin ASEAN cho ngành thông tin, báo chí và truyền thông của ASEAN nhằm định vị và kiến tạo ngành có năng lực chuyển đổi, thích ứng và tự cường.
Đây là sáng kiến của Việt Nam khi lần đầu tiên lĩnh vực thông tin, báo chí và truyền thông của ASEAN có một văn bản khung, để định hình và phát triển hợp tác của ASEAN trong tương lai.
Tuyên bố Tầm nhìn 2035 tiếp tục khẳng định vai trò kết nối, truyền tải các giá trị hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực thuộc 3 trụ cột cộng đồng ASEAN (chính trị an ninh, kinh tế, văn hoá – xã hội), góp phần hiện thực hoá Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và sau đó.
Thứ nhất, khẳng định lĩnh vực thông tin, báo chí và truyền thông đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chuyển đổi số và công nghệ tiên tiến đã mở ra nhiều triển vọng mới cũng như tạo ra một sự chuyển dịch mô hình mới về khả năng tiếp cận thông tin và đổi mới sáng tạo, đem lại những cơ hội chưa từng có, có thể đem đến những thay đổi có ý nghĩa cho ngành thông tin và truyền thông.
Thứ hai, thừa nhận công nghệ số tiến tiến cũng gây ra tình trạng thông tin tràn lan, quá tải, tạo ra vấn đề “bội thực” hay “béo phì” về thông tin bởi tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay giả, tri thức bổ ích hay tin rác vô bổ; Sự tràn lan thông tin cùng với các thuật toán may đo trên thói quen của người dùng cũng gây xao nhãng và giảm chú ý của người dùng đối với các thông tin tri thức.
Thứ ba, nhận thức về tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng của các nền tảng truyền thông đã đồng loạt dẫn đến sự gia tăng tin giả, thù ghét số, các quan điểm cực đoan có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ, mất niềm tin, gây tổn hại đến tinh thần đoàn kết và kiên cường của ASEAN; đồng thời, thông tin sai lệch tràn lan có thể dẫn đến nghi kỵ và định kiến không đúng, từ đó cũng có thể gây tổn hại đến hiểu biết của người dân về tình hình phát triển ASEAN.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trao đổi với các đoàn tham dự hội nghị.
Trước các nhận định nêu trên, các bộ trưởng đã đưa ra 6 định hướng về tầm nhìn cho ngành thông tin và truyền thông của ASEAN đến 2035 để trở nên Thích ứng, Tự cường và Tiến bộ, tiếp tục khẳng định vai trò, giữ vững uy thế là ngành tiên phong trong hỗ trợ và truyền tải hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực đến với người dân, đồng thời, định vị vai trò mới là truyền tải thông tin có giá trị đem lại tri thức cho người dân.
Để hiện thực hoá tầm nhìn nêu trên, các bộ trưởng cũng ban hành định hướng triển khai trong giai đoạn tới thông qua các cơ chế giúp việc của AMRI.
Theo đó, các bên sẽ thực hiện nghiên cứu, thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở xây dựng và triển khai các chiến lược truyền thông khủng hoảng, truyền thông chiến lược và truyền thông công chúng, nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến người dân. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng sức mạnh chuyển đổi của truyền thông để nuôi dưỡng văn hoá tư duy phản biện và học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực và sẵn sàng số cho công dân ASEAN. Các quốc gia thành viên sẽ trao quyền cho ngành công nghiệp truyền thông để thúc đẩy chuyển giao tri thức toàn ASEAN, ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực truyền tin của các phương tiện truyền thông và thực hiện nghiên cứu về xu hướng chuyển đổi số để xây dựng các chính sách can thiệp kịp thời.
AMRI 16 cũng đã phối hợp và thực hiện hiệu quả công tác truyền thông cho tất cả các ngành, lĩnh vực mà ASEAN hợp tác trên cả 3 trụ cột và các đối tác đối thoại. Định vị vị trí và thúc đẩy vai trò của ngành thông tin và truyền thông là chủ thể hỗ trợ cho phản ứng toàn ASEAN trước các thách thức toàn cầu mới nổi.
Các quốc gia thành viên sẽ tạo điều kiện để giới truyền thông, cộng đồng, người dân tham gia và hỗ trợ khả năng tiếp cận thông tin, để khuếch đại các nguồn tin đáng tin cậy, củng cố kỹ năng tích cực và tâm thế sáng suốt cho giới trẻ trong quá trình tiêu thụ nội dung nghe - nhìn cũng như sáng tạo nội dung số. Các bên cũng sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số cho báo chí và truyền thông của ASEAN trong tương lai.
AMRI 16 cũng đã phối hợp và thực hiện hiệu quả công tác truyền thông cho tất cả các ngành, lĩnh vực mà ASEAN hợp tác trên cả 3 trụ cột và các đối tác đối thoại.
Các bộ trưởng đã đưa ra 6 định hướng về tầm nhìn cho ngành thông tin và truyền thông của ASEAN đến 2035:
1. Ngành thông tin, báo chí và truyền thông của ASEAN đến 2035 sẽ trở nên thích ứng, tự cường và tiến bộ nhằm đem lại một xã hội “công bằng về thông tin và tri thức”, “cởi mở với các ý tưởng sáng tạo tiến bộ”, “gắn kết xã hội” và tạo điều kiện “tiếp cận thông tin cho mọi người”.
2. Hợp tác ASEAN về thông tin và truyền thông sẽ dựa trên động lực là “Tri thức”, tạo ra thêm giá trị nhờ chuyển đổi số để cải thiện đời sống cho người dân nhờ cung cấp thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác; trang bị Kỹ năng số và Sẵn sàng số cho người dân.
3. Phát triển Hệ sinh thái thông tin và truyền thông: “Mạnh mẽ”, “Tự cường” và “Năng động”, thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới, tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nuôi dưỡng bản sắc ASEAN về cảm nhận thuộc về cộng đồng.
4. Khẳng định vai trò và vị thế của ngành thông tin và truyền thông trong các hợp tác liên ngành để ứng phó với các thách thức toàn cầu (y tế, bình đẳng giới, nhân quyền, trao quyền cho giới trẻ, bảo vệ trẻ em…).
5. Ngành thông tin và media đóng vai trò kết nối, nuôi dưỡng hợp tác Công-Tư đem lại tri thức cho các dân tộc ASEAN, để tăng cường khả năng hoà nhập, bồi dưỡng học tập suốt đời.
6. Chủ động hợp tác với các đối tác đối thoại, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.