Sáng ngày 03/6/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2024 của Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Phải vẽ được bức tranh tổng thể mới xây dựng thể chế hiệu quả, thực hiện quản lý hiệu quả"
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng, lãnh đạo cấp trưởng, phó các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Văn phòng BCS Đảng, Chánh Văn phòng Đảng uỷ, Đại diện Lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT và lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) và Cục Thông tin Đối ngoài đã trình bày tham luận về "Kết quả nghiên cứu đề xuất tiêu chí về Nhà xuất bản số" và tham luận về "Phát triển trợ lý ảo phục vụ công tác đối ngoại".
Nhà xuất bản số hỗ trợ nhiều người tham gia lĩnh vực viết, sáng tạo nội dung
Báo cáo tham luận tại Hội nghị về "Kết quả nghiên cứu đề xuất tiêu chí về Nhà xuất bản số", đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) đã nêu ra 5 điểm khác biệt chủ yếu giữa Nhà xuất bản số và Nhà xuất bản điện tử. Theo đó, sự khác biệt lớn nhất nằm ở quá trình chuyển đổi số.
Cụ thể, đối với Nhà xuất bản số, toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm đều được thực hiện trong môi trường số, trong khi Nhà xuất bản điện tử chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, sản phẩm của NXB số cũng đa dạng hơn, bao gồm cả dịch vụ đào tạo, các dịch vụ phục vụ tạo tác phẩm, phân phối sản phẩm nội dung số.
Toàn cảnh Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điểm khác biệt lớn nhất của nhà xuất bản số là tạo ra các nền tảng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để nhiều người có thể trở thành người sáng tạo nội dung, người viết. Tuy nhiên, để nhà xuất bản số phát triển, thu hút nhiều người viết, lực lượng làm công nghệ số tại nhà xuất bản số tối thiểu phải chiếm 30% tổng số nhân lực.
Trợ lý ảo – càng dùng nhiều, càng thông minh
Đối với tham luận về "Phát triển trợ lý ảo phục vụ công tác đối ngoại" của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trợ lý ảo của một đơn vị do các lãnh đạo đơn vị, do những người tinh hoa nhất của đơn vị xây dựng nên thì sẽ tạo ra nhiều giá trị cho những người mới của đơn vị. Theo Bộ trưởng, họ là người mới, thay vì hỏi lãnh đạo, hỏi người đi trước thì hỏi trợ lý ảo, làm việc với trợ lý ảo giống như đang làm việc với những người thông thái nhất của tổ chức này. Càng hỏi thì trợ lý ảo càng trở nên thông minh, những người trong tổ chức ấy sử dụng trợ lý ảo cũng thông minh lên.
Bộ trưởng cũng khẳng định vai trò quan trọng của dữ liệu trong các phần mềm chuyển đổi số. Dữ liệu là đầu vào quan trọng bậc nhất của phần mềm chuyển đổi số, càng nhiều dữ liệu, phần mềm càng thông minh. Dữ liệu chỉ sinh ra khi có người dùng, vì thế ứng dụng quyết định sự hoàn thiện của công nghệ. Trong thời chuyển đổi số, ứng dụng tạo ra công nghệ.
Tại Hội nghị, các Thứ trưởng đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực mình phụ trách, các vấn đề còn tồn tại và hướng giải quyết.
Phải vẽ được bức tranh tổng thể mới xây dựng thể chế hiệu quả, thực hiện quản lý hiệu quả
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến Nguyên tắc Pareto 80/20. Tức là, 20% công việc khó, mới, nhạy cảm do người đứng đầu thực hiện một cách kỹ lưỡng với yêu cầu cao, còn 80% công việc thường xuyên sẽ giao cho cấp phó, cấp dưới thực hiện. Một tổ chức muốn bền vững phải có nền tảng vững chắc, người đứng đầu cần có thời gian tư duy cho tương lai, tư duy hoàn thiện hệ thống, không sa vào các vụ việc chi tiết.
Về phương thức quản trị, theo Bộ trưởng, cần phân biệt giữa làm việc theo trình tự và làm việc theo hướng dẫn. Làm việc theo thứ bậc là có rất nhiều cấp, cấp dưới ít được làm việc, ít có cơ hội trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cao nhất để học hỏi, do đó lãnh đạo không có cơ hội nhìn thấy để biết được khả năng của cán bộ cấp dưới, từ đó, dễ nảy sinh quan liêu.
Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết vấn đề này, mỗi việc lớn, mỗi đề án thì lập một nhóm công tác trên mạng, ai chịu trách nhiệm về đề án thì làm trưởng nhóm, mời Bộ trưởng, Thứ trưởng tham gia nhóm. Nhóm hoạt động theo cơ chế thảo luận. Sau khi thảo luận, tư vấn, công tác báo cáo sẽ làm theo trình tự, thủ tục quy định.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, công tác cán bộ là phải đi tìm cán bộ có năng lực. Công tác cán bộ không phải là của riêng Vụ Tổ chức cán bộ mà còn là việc của các Thứ trưởng, của cấp ủy, của lãnh đạo các đơn vị. Tìm người có tài, có đức mới gánh vác được công việc của tổ chức. Việc khen thưởng cũng tương tự như vậy, phải đi tìm người làm tốt nhiệm vụ mà khen, không nên chỉ dựa vào đề xuất từ các đơn vị.
Về công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng yêu cầu phải vẽ được bức tranh tổng thể. Bộ trưởng chỉ rõ, làm thể chế là nhiệm vụ đầu tiên, cần thiết phải lập ra một bộ các thể chế cần thiết cho từng lĩnh vực, như chuyển đổi số báo chí, an toàn thông tin… Có được bức tranh toàn cảnh trước rồi phân cán bộ, đơn vị làm, phân việc để hoàn thiện bộ thể chế đó. Đối với thể chế cho từng lĩnh vực có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng chỉ đạo, đến tháng 8, tất cả các lĩnh vực của Bộ phải có bộ thể chế. Chúng ta đã làm ra 2 mẫu là bộ thể chế cho AI và bộ thể chế cho chuyển đổi số. Thứ trưởng Phạm Đức Long sẽ chuyển hai bộ thể chế này cho các Thứ trưởng và các đơn vị để tham khảo, làm mẫu. Có mẫu này, anh em tự biết mình cần làm gì.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc làm mẫu và thí điểm. Cái mới thì phải làm mẫu, làm cho đến thành công, rồi hướng dẫn chi tiết "cầm tay chỉ việc". Việc của Bộ mình là chỉ đạo làm mẫu một cái và sau đó ban hành hướng dẫn chi tiết. Đây là 1 bài học quan trọng.
Một trách nhiệm khác được Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, đó là giám sát, nhắc nhở thường xuyên đối với các đối tượng quản lý của mình, ít nhất là 1 năm một lần. Trưởng đơn vị chủ động cho rà soát ngay trong lĩnh vực của mình và thực hiện ngay công tác nhắc nhở, giám sát này, Bộ trưởng chỉ đạo.
Trả lời cử tri, trả lời đại biểu Quốc hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Bộ ngành. Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương làm một trợ lý ảo hỗ trợ trả lời ý kiến cử tri và hoàn thành trong tháng 6. Dữ liệu đầu vào cho trợ lý ảo này là các câu trả lời cử tri của Bộ trong 5-6 năm qua và Trưởng các đơn vị phải dạy cho các trợ lý ảo những kiến thức mới.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư, làm ra các công cụ số để nhằm tăng năng suất lao động của cán bộ công chức trong Bộ. Cuối năm, sẽ đánh giá xem đơn vị nào có phần mềm thông minh nhất, giảm tải công việc và nâng cao năng suất lao động của cán bộ nhất. Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Chuyển đổi số quốc gia xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và ban hành các văn bản liên quan.
Giang Phạm, Ảnh: Thảo Anh