Thứ hai, 14/10/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 14/10/2024 Hoạt động sự kiện

Thứ sáu, 03/05/2024

Giao ban Quản lý nhà nước tháng 4/2024

Sáng ngày 2/5, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2024. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của các Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp công nghệ.

Bộ TT&TT sẽ đi đầu về ứng dụng AI hẹp

Tại Hội nghị, đại diện Cục Thông tin Đối ngoại đã trình bày báo cáo và demo "Trợ lý ảo nghiệp vụ thông tin đối ngoại". Theo đó, chatbot phiên bản thử nghiệm đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cơ bản cùng các trích dẫn về lĩnh vực thông tin đối ngoại thông qua câu hỏi của đại diện các đơn vị tham dự giao ban.

Trợ lý ảo này do Cục Thông tin Đối ngoại và Công ty cổ phần MISA xây dựng và phát triển từ tháng 4/2023. Hiện tại, chatbot đã đưa vào thí điểm trên trang vietnam.vn để trả lời các nghiệp vụ về thông tin đối ngoại.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chất lượng trợ lý ảo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng dữ liệu đưa vào AI. Do đó các cơ quan, đơn vị muốn xây dựng trợ lý ảo thì phải xây dựng hệ tri thức của mình. Dữ liệu tốt sẽ có trợ lý ảo tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "AI càng hẹp càng tốt. AI xuất sắc nhất là AI cho từng người. Sắp tới cần phát triển các nền tảng AI để mỗi cá nhân tự xây dựng trợ lý ảo riêng cho mình".

Tại Hội nghị, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ TT&TT phát triển AI dùng cho đơn vị mình, với một số nhà cung cấp nền tảng khác nhau để có sự so sánh. Bộ TT&TT sẽ ưu tiên thí điểm và phát triển ứng dụng AI diện hẹp.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì việc thúc đẩy ứng dụng trợ lý ảo AI tại các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ TT&TT.

Kinh nghiệm sau 4 năm làm chuyển đổi số

Tại Giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ lại 8 ý quan trọng trong bài phát biểu tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số. Theo đó, đây là những kinh nghiệm được đúc rút qua 4 năm triển khai chuyển đổi số, trở thành các cách làm hiệu quả, có thể ứng dụng vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Cụ thể:

Thứ nhất, để chuyển đổi số hiệu quả, vấn đề nằm ở "tiền đâu" và làm sao "tiêu được tiền" không để xảy ra tai nạn.

Thứ hai là làm thí điểm cho đến nơi, cho đến thành công rồi "copy" ra cả nước. Tập trung làm thí điểm ở 1-2 tỉnh, bộ ngành, làm hiệu quả trên nền tảng số, từ đó lan toả ra cả nước. Trong Quý II này, Bộ TT&TT sẽ tổng kết mô hình thành công về dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trung tâm điều hành thông minh tại 1 tỉnh, chuyển đổi số cấp Bộ, ngành tại 1 Bộ, ngành để từ cuối Quý II sẽ phổ biến nhân rộng.

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ ba, thời CNTT thì tất cả các bộ ngành và các địa phương đều làm phân tán, hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc. Nhưng thời chuyển đổi số thì xuất hiện các nền tảng dùng chung toàn quốc, các nền tảng Trung ương. Vậy nên phải làm rõ, Trung ương làm gì, địa phương làm gì để các địa phương dễ dàng triển khai, thực hiện.

Thứ tư, việc gì mới, trừu tượng, đặc biệt là công nghệ, lại chưa làm bao giờ thì Bộ TT&TT cần hướng dẫn chi tiết, nhất là những cái cơ bản.

Thứ năm, AI đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Chúng ta phải đưa được một số ứng dụng AI mẫu vào các cơ quan nhà nước ngay trong năm nay theo hướng AI càng hẹp thì càng dễ huấn luyện, càng thông minh, càng hiệu quả. AI của mình thì phải huấn luyện bằng dữ liệu của mình.

Thứ sáu, chuyển đổi số thì cần hạ tầng chuyển đổi số. Trong Quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ làm rõ các "stacks" của hạ tầng chuyển đổi số là gì, ai đầu tư và bao giờ xong.

Thứ bảy là về giám sát quản lý online. Chuyển đổi số sẽ diễn ra rất sâu rộng. Nếu không giám sát được thì sẽ không quản lý được. Vậy nên cần giám sát bằng công nghệ. Việc kết nối online phục vụ quản lý của Bộ TT&TT vào các hệ thống chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp Bộ, ngành là để phục vụ quản lý online, đo lường online.

Thứ tám, từ quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ bắt đầu đưa ra các công thức thành công về chuyển đổi số cho các lĩnh vực, các cấp, để có thể truyền thông, nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số đã được đẩy mạnh và có những kết quả bước đầu, bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh: Công việc thì càng ngày càng nhiều. Cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Vì vậy, cần chú ý đến cách làm để công cuộc chuyển đổi số hiệu quả, năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TT&TT, trong 4 tháng đầu năm 2024:

- Doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.365.758 tỷ đồng.

- Lợi nhuận toàn Ngành ước đạt 95.945 tỷ đồng.

- Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

- Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 308.249 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,9% so với so với kế hoạch năm (938.136 tỷ đồng)./.

Thảo Anh

Nguồn https://mic.gov.vn/giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-thang-4-2024-197240503152451715.htm