Theo đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID19 và các Kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tập trung thực hiện tốt các nội dung và yêu cầu sau:
- Thông tin có phân tích, lý giải kỹ về các hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Phản ánh, phân tích, lý giải làm rõ vấn đề áp dụng chính sách phòng, chống dịch khác nhau, sự không thống nhất trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19” giữa các địa phương… để có điều chỉnh cho nhất quán, đồng bộ, logic. Truyền thông thống nhất về việc chỉ lấy cơ sở khoa học để đánh giá việc kiểm soát các nguy cơ dịch tễ (xét nghiệm + tiêm đủ vắc-xin và đủ thời gian + tự khai báo y tế trung thực + áp dụng công nghệ), từ đó đưa ra tiêu chí về an toàn/không an toàn.
- Tăng cường bài, chương trình truyền thông phân tích sâu cái được, cái chưa được, cái còn chưa rõ, có đánh giá, có nhận định... để ủng hộ các chính sách, biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhưng cũng chỉ rõ, phê phán những biện pháp, cách làm chưa phù hợp, cứng nhắc, cực đoan ở cục bộ một số nơi. Những vấn đề bất cập và thiếu nhất quán giữa cách làm ở các nơi, làm nhiều người bị cách ly nhầm, cách ly không dựa trên yêu tố khoa học về nguy cơ dịch tễ gây tốn kém và đảo lộn cuộc sống của họ, nếu bị lây chéo trong khu cách ly thì không ai chịu trách nhiệm. Tổn hại kinh tế trong dân và doanh nghiệp do những chuyện này vô cùng lớn. Vấn đề sức khoẻ tinh thần bị tổn thương, rối loạn do dịch bệnh kéo dài và những hệ quả kinh tế - xã hội kèm theo (do giãn cách kéo dài, do cuộc sống mưu sinh và hoàn cảnh kinh tế bị đảo lộn…) cần được quan tâm tìm hiểu, truyền thông đúng mức để cảnh báo và hỗ trợ tìm ra giải pháp khắc phục, giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới thông qua các biện pháp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm 5K, không lơ là, chủ quan, tự giác, tích cực cùng cộng đồng và xã hội kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh tại nơi sinh sống. Kịp thời tuyên truyền các mô hình hay của địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động phục hồi sản xuất kết hợp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan trong phòng, chống dịch, giúp công nhân, người lao động tin tưởng, yên tâm, quay trở lại gắn bó với sản xuất, với doanh nghiệp.
- Tăng cường phản ánh các hoạt động đối thoại, tiếp nhận ý kiến, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài lớn, hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ tối đa, thiết thực, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sớm phục hồi hoạt động sản xuất, tạo niềm tin để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gắn bó lâu dài với Việt Nam, đồng thời có sự chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo sự lan tỏa tiếp tục thu hút đầu tư vào Việt Nam.
- Các cơ quan báo chí cần chuyển trọng tâm thông tin về các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội. Nghiêm túc định hướng, tổ chức thông tin phòng, chống dịch theo hướng tăng tin, bài phân tích, bình luận, ý kiến chuyên gia chuyên sâu, đặc biệt là đối với những vấn đề còn gay các ý kiến suy diễn do chưa hiểu đúng bản chất; giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến dịch bệnh; giảm bớt việc đồng loạt khai thác một số hiện tượng xã hội chủ yếu theo hướng ủy mỵ, bi lụy mà không nhìn thấy và khơi dậy ý chí, sức mạnh tinh thần để vươn lên từ những khó khăn. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng. Không giật tít lệch lạc bản chất về những vấn đề còn chưa có kết quả, kết luận cuối cùng. Kiên quyết đấu tranh việc lợi dụng đưa các thông tin sai lệch, không đúng hoặc cố tình đẩy nóng quá mức những vấn đề đơn lẻ để xuyên tạc, chia rẽ, kích động chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Chủ động đề xuất các giải pháp và thông điệp truyền thông trong thời gian tới để ban hành ở cấp Tiểu ban Truyền thông nói riêng và tham mưu, phản biện kiến nghị qua các kênh, hình thức phù hợp đối với các giải pháp phòng, chống dịch, khôi phục kinh tế, dân sinh nói chung.
Kế hoạch cũng nêu những nội dung và yêu cầu cụ thể đối với thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, viễn thông, với các Sở Thông tin và Truyền thông và ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch - An toàn thông tin.
Toàn văn Kế hoạch số 23/KH-BTTTT ngày 12/10/2021 cập nhật dưới đây: