Khẳng định trọng tâm của năm 2024 là tạo ra những kết quả thiết thực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cục, vụ của Bộ phải tập trung hướng dẫn để các địa phương triển khai được ngay các kế hoạch, quy hoạch của ngành.
Tạo ra kết quả thiết thực, mang giá trị cho người dân
Ngày 11/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 với các sở TT&TT.
Thực hiện qua phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 67 điểm cầu, Hội nghị còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương cùng đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên trách CNTT các bộ, ngành.
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I của Bộ TT&TT với các sở TT&TT diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để thống nhất nhận thức, một số tư tưởng, định hướng mới trong năm 2024 của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã được phổ biến tới tất cả các sở TT&TT và lãnh đạo cơ quan chuyên trách CNTT của bộ, ngành. Ngoài quan điểm về lựa chọn công việc và trách nhiệm của người đứng đầu, nội hàm của từng nội dung trong phương châm, khẩu hiệu hành động năm 2024: “Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn- Chất lượng hơn - Thiết thực hơn” đều được lý giải cặn kẽ, thấu đáo.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ đóng góp, chuẩn bị nội dung xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, Bộ trưởng chỉ rõ đây là vấn đề đường lối chính sách dẫn đường, đồng thời đề nghị các đơn vị trong Bộ TT&TT cũng như lãnh đạo các sở TT&TT, cơ quan chuyên trách CNTT các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đề xuất đưa những quan điểm, tư tưởng lớn của ngành vào văn kiện.
Giám đốc các sở TT&TT, cơ quan chuyên trách CNTT bộ ngành cũng được đề nghị coi việc xây dựng thể chế cho ngành TT&TT là việc quan trọng của mình. Các đơn vị của Bộ TT&TT khi chủ trì xây dựng thể chế phải mời sở TT&TT và đơn vị chuyên trách CNTT tham gia. “Không có tiếng nói của đơn vị cơ sở thì thể chế không vào được cuộc sống. Tham gia làm thể chế, nhân lực của địa phương cũng sẽ tốt lên”, Bộ trưởng phân tích.
Clip thông tin một số quan điểm chỉ đạo và tư tưởng mới của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn video: Văn phòng Bộ TT&TT
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, năm nay, Bộ TT&TT xác định trọng tâm là tạo ra những kết quả thiết thực, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức và chính các cán bộ, công nhân viên, người lao động. Một việc đang được Bộ TT&TT tập trung là phát triển trợ lý ảo. Bên cạnh 4 trợ lý ảo mang tính toàn quốc, các bộ, ngành, địa phương cũng cần có những trợ lý riêng của bộ, tỉnh mình để đỡ việc cho cán bộ, nhân viên.
“Để tạo ra được những kết quả thiết thực, việc hướng dẫn để địa phương có thể làm được sẽ là “key” (chìa khóa) của Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ phải ý thức việc này”, Bộ trưởng yêu cầu.
Giải đáp “đến nơi” vướng mắc của địa phương
Phương thức trao đổi, trả lời trực tiếp kiến nghị của địa phương tiếp tục được duy trì tại Hội nghị lần này. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chuyên môn đã dành nhiều thời gian giải đáp ‘đến nơi’ những vướng mắc, đề xuất của các sở TT&TT tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Thái Bình, Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Đơn cử như, với đề xuất Bộ có hướng dẫn địa phương trong xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia và Quy hoạch hạ tầng TT&TT, Bộ trưởng chỉ đạo Viện Chiến lược TT&TT hoàn thành các hướng dẫn này vào ngày 15/4. Về đề nghị phối hợp với Bộ Xây dựng sớm ban hành bộ tiêu chí xây dựng đô thị thông minh cấp huyện, Bộ TT&TT giải thích rõ với Sở TT&TT Quảng Trị việc sẽ không có bộ tiêu chí đô thị thông minh cấp huyện; song ngoài bộ tiêu chí đô thị thông minh cấp tỉnh sẽ được Bộ Xây dựng ban hành tháng 4/2024, Bộ TT&TT đang xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số cấp xã, huyện. Bộ trưởng yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia xong các hướng dẫn chuyển đổi số cấp xã, huyện trong quý II/2024.
Việc triển khai Quy hoạch hạ tầng TT&TT đến năm 2030 là một nội dung các sở TT&TT địa phương mong Bộ TT&TT sớm có hướng dẫn. Ảnh: Viettel cung cấp
Tại hội nghị, đại diện một số sở TT&TT đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành TT&TT tại địa phương mình. Với TP.HCM, sau nhiều năm tổ chức, địa phương này đã đưa lễ hội đường sách thành điểm sáng trên cả nước về phát triển văn hóa đọc. Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng, lễ hội đường sách của thành phố đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Năm 2024, lễ hội thu hút gần 1 triệu người tham quan mua sách, với doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng chỉ trong 8 ngày tổ chức.
Trước chia sẻ của ông Lâm Đình Thắng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý Cục Xuất bản, In và Phát hành cần sớm cho ra đời bộ chỉ số đo lường sự phát triển của văn hóa đọc, để từ đó có các biện pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả.
Với Lào Cai, đây là địa phương đi đầu trong đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Từ kinh nghiệm triển khai 5 năm qua, ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai đề xuất phương thức, quy trình thực hiện đặt hàng để tháo gỡ nút thắt về thể chế, nhân lực và tài chính. Theo ông, cơ quan chủ quản nhờ vậy mà loại bỏ được cơ chế xin cho, tinh giản biên chế, đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả. Trong khi với các đơn vị sự nghiệp, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt.
Từ câu chuyện thực tiễn của Lào Cai, Bộ trưởng chỉ đạo đơn vị chuyên môn của Bộ cần sớm có khảo sát về các vướng mắc trong việc đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách, để có biện pháp tháo gỡ.
Thay đổi nhận thức về cách đặt mục tiêu
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Có một cách được cả thế giới công nhận khi làm những cái mới, đó là làm thí điểm ở quy mô nhỏ, nhưng làm đến nơi, triệt để, làm cho đến kết quả cuối cùng và sau đó hướng dẫn để nhân rộng. Vì thế, trong từng lĩnh vực, bên cạnh hướng dẫn cho những việc đã rõ, các đơn vị cần tiếp tục thí điểm những cái mới theo phương châm: làm triệt để, làm đến ra kết quả cuối cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn địa phương triển khai các công việc của Bộ, ngành. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thay đổi trong đặt mục tiêu là một nhận thức mới mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn các đơn vị hiểu và thực hiện. Cụ thể, thay vì chỉ đặt mục tiêu chung cho cả ngành, từ năm 2024, các mục tiêu chung phải được chi tiết ra thành mục tiêu cho từng bộ, ngành, địa phương. Việc chi tiết hóa này cần thực hiện theo cả 2 cách, giao mục tiêu từ trên xuống và đăng ký từ dưới lên.
Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn địa phương, Bộ trưởng chỉ đạo: Các quy hoạch, chiến lược, nghị định, quyết định... do Bộ TT&TT xây dựng đều cần phải có hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai xuống cơ sở, không biến các chiến lược của ngành thành “chiến lược ngăn kéo”.
Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 3, các đơn vị của Bộ TT&TT phải có các hướng dẫn cụ thể cho các nội dung: Hướng dẫn kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương; Hướng dẫn tổ chức hội nghị chuyên đề về kinh tế số; Hướng dẫn nâng tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình và từ xa; Hướng dẫn truyền thông chính sách cấp tỉnh...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý các đơn vị chuyên trách CNTT cấp Bộ, phải tư vấn cho Bộ trưởng của Bộ mình để triển khai tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế số trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ TT&TT sẽ lập kế hoạch tổng thể về các hội nghị chuyên đề. “Đây sẽ là hoạt động rất có ý nghĩa giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”, Bộ trưởng nhận định.
Từ kinh nghiệm công tác luân chuyển và biệt phái cán bộ của Bộ, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các sở nhận thức rằng luân chuyển cán bộ là việc tốt và tính đến chuyện luân chuyển cán bộ không chỉ trong nội bộ sở mình, mà cả với các sở khác. Ngoài các việc thường xuyên, các sở TT&TT còn được đề nghị tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, theo tinh thần hiệu quả, thực chất.