Thứ hai, 14/10/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ hai, 14/10/2024 Quy trình cấp phép TTĐT

Thứ ba, 07/07/2015

Đẩy mạnh cải cách hành chính: Đề cao vai trò người đứng đầu

Việc niêm yết công khai các TTHC, lập đường dây nóng, hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan, thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi để công dân tra cứu, tìm hiểu thông tin và giám sát việc thực hiện TTHC. Đến nay, 100% các TTHC đã được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 2 (cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, tờ khai). Một số đơn vị đã có TTHC đạt mức độ 3 (người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn) là: Sở Công thương (có 5 TTHC), Sở Thông tin - Truyền thông (9 TTHC), Sở Tài chính (5 TTHC)… Từ việc coi trọng công tác cải cách TTHC, nhiều đơn vị đã thực hiện 100% TTHC giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", đồng thời bố trí cán bộ "một cửa" là công chức có chuyên môn. 

Chánh Văn phòng Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở đã giao việc hướng dẫn, tư vấn giải quyết TTHC cho cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ; nếu có khúc mắc, cán bộ, công chức phòng chuyên môn sẽ hỗ trợ. Việc tư vấn và cung cấp mẫu hồ sơ hoàn toàn miễn phí. Mỗi cán bộ đều cố gắng giải quyết hồ sơ một cách nhanh nhất nên hiện hầu hết các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Công thương đã được rút ngắn bình quân 30% số thời gian thực hiện theo quy định; 100% hồ sơ đã tiếp nhận đều được giải quyết đúng hẹn. Còn tại UBND huyện Mê Linh, ngoài hướng dẫn, giải đáp và tư vấn miễn phí cho tổ chức, công dân đến giao dịch hành chính, lãnh đạo huyện đặc biệt coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Trong kế hoạch đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" giai đoạn 2012-2015, huyện đã chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp thực hiện. Nhờ đó, từ chỗ còn nhiều thiếu sót trong công tác CCHC, đến nay, huyện Mê Linh đã thực hiện giải quyết 100% TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Tổng số TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2 ở cấp huyện là 257 TTHC, cấp xã là 125 TTHC. 

Hiện đại hóa hành chính cũng là một nội dung được các đơn vị quan tâm, triển khai có hiệu quả. Đến nay, nhiều đơn vị đã bố trí bộ phận "một cửa" cấp huyện và cấp xã đủ diện tích theo quy định. Đối với những đơn vị không thể bố trí đủ diện tích do quỹ đất hạn hẹp cũng cố gắng đầu tư các thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ. Điển hình là hai quận Cầu Giấy và Đống Đa, tại 100% bộ phận "một cửa" của quận và các phường đều lắp đặt camera. Huyện Ba Vì đã đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử huyện, thành lập ban biên tập, ban quản trị cổng, bảo đảm cung cấp thông tin về TTHC và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân. Với Sở Thông tin - Truyền thông - đơn vị tham mưu cho TP Hà Nội về việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác CCHC cũng đã thực hiện tốt vai trò của mình. Sở đã thực hiện 100% văn bản gửi UBND thành phố và UBND 29 quận, huyện trên mạng. Quán triệt nội dung Chỉ thị số 01/CT-UBND về "Năm kỷ cương hành chính - 2013", lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường trao đổi công việc qua email; trang bị đầy đủ các thiết bị để phục vụ họp trực tuyến với các quận, huyện, với thành phố và Chính phủ. Ngoài ra, có nhiều đơn vị đã chủ động triển khai sáng kiến, giải pháp CCHC như: Công an thành phố triển khai mô hình xuống địa bàn giúp dân làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện mô tô, xe máy; Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành lập tổ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết TTHC; quận Long Biên thực hiện đổi mới đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo lịch công tác…

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác CCHC ở nhiều đơn vị vẫn còn không ít hạn chế. Nguyên nhân là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Thực tế này tồn tại lâu nay mà chưa được giải quyết triệt để. Do đó, để công tác CCHC hiệu quả đều khắp toàn thành phố, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện CCHC, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác CCHC. Đồng thời, kết quả CCHC cần được coi là cơ sở quan trọng trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu và bình xét thi đua đối với tập thể, cá nhân.