Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet, nhằm xử lý nhanh vi phạm trên môi trường mạng.
Đề xuất được đưa ra trong dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định số 72 năm 2013 và Nghị định 27 năm 2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố để lấy ý kiến.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ cho biết dự thảo nghị định thay thế có 11 điểm mới. Trong đó có bổ sung quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
"Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung biện pháp xử lý nhanh với cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội", tờ trình có đoạn.
Một người dùng máy tính khi không kết nối Internet. Ảnh: Lưu Quý
Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, lưu trữ web, trung tâm dữ liệu sẽ có trách nhiệm từ chối hoặc ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet theo yêu cầu từ Bộ đối với những ai sử dụng dịch vụ kể trên để đăng tải thông tin vi phạm trên mạng. Họ cũng sẽ phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung một số điều liên quan đến việc quản lý người dùng và thông tin trên không gian mạng, như quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung vi phạm.
"Quy định sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay", đại diện Bộ nêu.
Để bảo vệ người dùng mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất bổ sung quy định như nền tảng phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng; có bộ phận tiếp nhận, xử lý khiếu nại, bổ sung quy định bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, chỉ những bên có giấy phép mạng xã hội hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp dịch vụ livestream.
Tại hội nghị sơ kết của Bộ ngày 30/6, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, nhận định các nền tảng xuyên biên giới là "cái ổ" phát tán các luồng thông tin xấu độc. Một số nền tảng có hậu thuẫn lớn, thường xuyên tìm cách né tránh yêu cầu gỡ bỏ thông tin, đặt ra thách thức khiến cơ quan quản lý phải tìm những cách đấu tranh kiểu mới để đạt mục tiêu, bao gồm cả biện pháp kỹ thuật, truyền thông, kinh tế.
Theo báo cáo của Cục, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới 6 tháng đầu năm đạt 93%, tăng 1% so với năm ngoái. Facebook đã gỡ 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng, 72 tài khoản quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ, 2.444 link về dịch vụ bất hợp pháp. YouTube gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm.
Lưu Quý