Đề xuất được đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 và Nghị định 27 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chia sẻ về đề xuất này.
Họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, việc sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội hiện đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, đã có những đối tượng đã sử dụng livestream để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức...
"Để nâng cao hiệu quả của việc quản lý sử dụng dịch vụ Internet đối với các vi phạm này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream" - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, đây chỉ là biện pháp bổ sung khẩn cấp nhằm xử lý nhanh đối với những tài khoản livestream vi phạm mà không phải là giải pháp triệt để.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng, việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chưa phải là giải pháp triệt để bởi đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác nhau. Tuy nhiên, đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng".
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web, dịch vụ trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm: thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, các doanh nghiệp phải từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, đến 31/8/2023 sẽ hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.